2020.06.18

Series LEAN Startup – Minimum Viable Product

MVP1

Chắc chắn một điều rằng mọi thành công đều phải trải qua thất bại, và không chỉ là một mà là rất nhiều thất bại. Trong kinh doanh cũng vậy, khi bắt đầu khởi nghiệp startup chúng ta cũng sẽ gặp rất nhiều thất bại khởi đầu. Vậy làm sao để chúng ta có thể thành công sau những thất bại đó? MVP chính là một khái niệm giúp chúng ta có thể chọn lựa được cách thức thất bại, học tập từ những thất bại đó để tiến tới thành công. Chúng ta cùng tìm hiểu về MVP nhé.

Lời mở đầu

MVP – Minimum Viable Product – là một khái niệm được giới thiệu trong cuốn sách The Lean Startup – một quyển sách giới thiệu về cách thức khởi nghiệp rất hay và bổ ích không chỉ với những người có ý định khởi nghiệp mà còn có thể áp dụng rất nhiều vào cuộc sống.

Các doanh nhân khi bắt đầu khởi nghiệp thì sẽ luôn có hai nguy cơ phải đối mặt. Một trường hợp những doanh nhân theo trường phái “cứ làm tới” thường sẽ bắt đầu xây dựng sản phẩm ngay lập tức sau vài cuộc trò chuyện với khách hàng hướng dẫn mà không có những phân tích chiến lược cặn kẽ. Thật không may, nếu khách hàng đó không thực sự biết điều họ thực sự mong muốn, các doanh nhân đó rất dễ rơi vào tình trạng tự lừa chính mình rằng mình đang đi đúng hướng. Khi sản phẩm ra đời thì nó đã bị sai lệch với nhu cầu thực tế của người dùng rồi.

Mặt khác, các doanh nhân theo xu hướng làm theo kế hoạch vạch định sẵn thì rất có nguy cơ trở thành nạn nhân của chứng liệt phân tích (analysis paralysis), khi họ liên tục khảo sát và điều chỉnh kế hoạch của mình. Và điều nguy hiểm ở đây là có những lỗi không thể xác định khi nghiên cứu vì chúng phụ thuộc vào sự tương tác tinh vi giữa sản phẩm với người dùng. 

Vậy nếu phân tích cặn kẽ quá là nguy hiểm, không phân tích lại dễ dẫn tới thất bại, làm sao doanh nhân biết khi nào nên ngừng phân tích lại và bắt đầu xây dựng sản phẩm. MVP chính là chìa khóa cho vấn đề này.

MVP là gì?

Một sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP – Minimum Viable Product) giúp nhà khởi nghiệp bắt đầu quy trình học hỏi nhanh nhất có thể. Đó không cần thiết là sản phẩm nhỏ nhất, chỉ đơn giản là cách nhanh nhất để đi qua vòng xoay Xây dựng – Đo lường – Học hỏi với nỗ lực – chi phí tối thiểu nhất có thể.

Cách xây dựng MVP trong quá trình phát triển sản phẩm

Một sản phẩm được xây dựng theo MVP sẽ không phải là một sản phẩm hoàn hảo nhất, nó có thể là một sản phẩm nhiều lỗi và kém chất lượng, nhưng nó phải khiến cho các khách hàng nhìn xa trông rộng, những early adopter – người cấp tiến sớm sử dụng sản phẩm trước khi các sản phẩm mới có thể bán được thành công ra thị trường. Những người cấp tiến về công nghệ này sẽ dùng trí tưởng tượng của mình để lấp đầy các lỗ trống trong sản phẩm – điều đó sẽ giúp sản phẩm hoàn thiện và hướng đến người dùng nhiều hơn.

Phạm vi về độ phức tạp của sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP) trải rộng từ các thử nghiệm đơn giản đến mẫu hoàn thiện bằng cách giải quyết các vấn đề tồn tại và bổ sung thêm các tính năng. Quyết định chính xác về mức độ phức tạp của MVP không được dựa trên công thức, mà đòi hỏi sự phán xét. Hầu hết các doanh nhân và những người phát triển sản phẩm đều đưa ra các con số tính năng cần có vượt xa mức cần thiết với MVP, khi thấy nghi ngờ bạn có thể giản lược nó đi vì bất cứ điều gì thêm vào trên mức cần thiết để bắt đầu học hỏi đều là lãng phí, bất chấp lúc đó nó có vẻ quan trọng đến mức nào.

Đo lường kết quả

Điều quan trọng trong MVP là phải đo lường được những sản phẩm của mình đem lại giá trị như thế nào một cách nghiêm ngặt. Những sản phẩm thất bại không phải ”thua trắng” hoàn toàn. Hầu hết sản phẩm đều có một vài khách hàng, có tăng trưởng và một vài kết quả khả quan. Những đo lường này phải đảm bảo được nó có thể cho ta biết những thay đổi trong sản phẩm của chúng ta có liên quan đến kết quả trông thấy được, và làm thế nào để biết mình đang rút ra bài học chính xác từ các thay đổi đó? 

Tối ưu hóa và học hỏi

Quá trình này là sự học hỏi có kiểm chứng dựa trên các kết quả đo lường được bằng con số cụ thể, chỉ ra rằng sự thay đổi nào là cần thiết, cần bổ sung thêm cái gì, loại bỏ cái nào dư thừa không cần thiết trong bản MVP tiếp theo.

Lời kết

Vòng lặp phản hồi Xây dựng – Đo lường – Học hỏi cho ra một version sản phẩm (MVP) tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn, tiếp cận đúng nhu cầu của khách hàng nhờ có được sự phản hồi NHANH HƠN — ÍT RỦI RO HƠN — ĐỠ TỐN KÉM HƠN. Qua mỗi vòng lặp, các phiên bản MVP sẽ dần hoàn thiện và đi đúng hướng sát theo các mục tiêu đã xác định, trên hết là tính “thực tiễn” và “khả dụng” luôn được đảm bảo.

Với một sản phẩm được xây dựng theo một motifs có sẵn — sản phẩm dựa trên một sản phẩm khác đã được publish trước đó (qui trình phát triển sản phẩm đã được khẳng định chắc chắn là thành công), thường thấy có 3 phase: alpha, beta và publish. Ở giai đoạn alpha, nếu thành công về mặt kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm sẽ được chuyển đến giai đoạn beta để tiếp cận 1 tập người dùng cố định nhằm có những đánh giá về kỹ thuật và người dùng là chủ yếu.

Đó cũng chính là sự khác biệt giữa một sản phẩm tinh thần “Startup” với một sản phẩm “Thông thường”.

“Khởi nghiệp là một tổ chức của con người được thiết kế nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn nhất.” – Định nghĩa Startup của Eric Ries

Tham khảo bài viết: 

Series LEAN Startup – Customer Problem Fit
Series LEAN Startup – Problem Solution Fit

 

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments