2021.10.05

NGUYÊN LÝ PARETO 

Vilfredo_Pareto - nguyên lý Pareto : 80% of results come from 20% of effort/time

Cám ơn các bạn đã ghé thăm Blog của MarketEnterprise Vietnam. Sau khi gia nhập công ty trong suốt 2 tháng thử việc, mỗi nhân viên mới của MarketEnterprise Việt Nam đều được bác CEO trực tiếp training về 4 nội dung chính sau: Human Skills, mô hình tổ chức Teal, Lean Startup (khởi nghiệp tinh gọn) và mô hình Agile.  

Lời mở đầu

Trong quá trình training về nội dung Lean Startup, một trong những keyword mà tụi mình được bác CEO giới thiệu đó là Product Market Fit (PMF). Dù sản phẩm có tốt như thế nào đi chăng nữa mà thị trường lựa chọn để tung ra sản phẩm không phù hợp thì cũng không thể bán được. 

Do đó trong quá trình chế tạo và phát triển một sản phẩm, việc xác định cho đúng khách hàng mục tiêu (target customer) là vô cùng quan trọng. Bác CEO có giới thiệu cho tụi mình một nguyên lý khá là thú vị về vấn đề này: 80% doanh thu của công ty đến từ 20% khách hàng thân thiết. Đó chính là nguyên lý Pareto.

Mình nghĩ nguyên lý này không chỉ có thể áp dụng trong công việc mà trong cuộc sống thường ngày nếu hiểu và áp dụng đúng thì sẽ mang lại rất nhiều giá trị. Vì vậy mình đã tìm hiểu và tổng hợp lại nội dung về nguyên lý này thành bài viết. Hy vọng bạn sẽ tìm được những thông tin hữu ích mà bạn đang muốn tìm kiếm trong bài viết này! 

Giới thiệu sơ lược về nguyên lý Pareto

Nguyên lý Pareto (Pareto Principle) hay còn gọi là quy tắc 80/20 (80/20 rule) được phát hiện bởi nhà kinh tế học và xã hội học người Ý tên là Vilfredo Federico Damaso Pareto (1848-1923).

Vào năm 1897, khi đang học và tìm hiểu về sự phân bố của cải và thu nhập tại nước Anh trong thế kỷ 19, ông đã phát hiện ra, phần lớn diện tích đất đai và thu nhập bị kiểm soát bởi một lượng nhỏ số người trong xã hội. Trên thực tế, 20% dân số kiểm soát đến 80% của cải và thu nhập.

Cảm thấy thú vị với phát hiện này, ông tiếp tục đi sâu vào phân tích, nghiên cứu và đã phát hiện ra rằng, nguyên tắc này không chỉ đúng với nhiều quốc gia trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, mà còn đúng với những gì đã xảy ra ngay trong khu vườn của ông. Tại đây, Pareto thấy được rằng, 20% cây đậu Hà Lan được ông trồng đã cho ra đến 80% hạt đậu mà ông thu hoạch được.

Sau nhiều nghiên cứu, ông đưa ra nguyên lý Pareto, hay còn được gọi là quy tắc 80/20 mang ý nghĩa rằng đại đa số mọi thứ trong cuộc sống không được phân phối đều nhau và khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra. (“80% of results come from 20% of effort/time”)

Biểu đồ Pareto

Biểu đồ Pareto bao gồm các cột và các đường thẳng trong đó các giá trị độc lập được biểu diễn bằng những hình cột có thứ tự thấp dần, còn các giá trị tổng tích lũy được biểu diễn bằng đường thẳng.

Trục thẳng đứng bên trái được dùng để đo lường tần suất xuất hiện, tuy nhiên nó cũng có thể được thay thế để đo lường chi phí hoặc một đơn vị tính toán khác tùy theo mục đích.

Trục thẳng đứng bên phải được dùng để đo lường phần trăm tích lũy của tổng số lần xuất hiện, tổng chi phí hoặc tổng của một đơn vị đo lường nào đó tùy mục đích.

Vì giá trị được sắp xếp theo thứ tự giảm dần, hàm tích lũy sẽ là một hàm lõm. 

biểu đố Pareto (Pareto chart)

Biểu đồ Pareto mẫu bên trên giúp phân tích được rằng có thể giảm thiểu số lần đi làm muộn đi 78% bằng cách giải quyết triệt để ba vấn đề đầu tiên (giao thông, chăm sóc trẻ em, phương tiện công cộng), điều đó sẽ có hiệu quả hơn là cố gắng giải quyết tất cả mọi vấn đề cùng lúc.

Mục đích của biểu đồ Pareto đó là tìm ra trong một nhóm các nguyên nhân (thường có rất nhiều), đâu là những nguyên nhân quan trọng nhất. Trong kiểm soát chất lượng, biểu đồ này thường được dùng để biểu diễn những nguyên nhân gây ra lỗi phổ biến nhất, loại lỗi xuất hiện phổ biến nhất hoặc nguyên nhân phổ biến nhất khiến khách hàng phàn nàn,….

Hiểu và áp dụng biểu đồ, nguyên lý Pareto

Biểu đồ Pareto là dạng biểu đồ trực quan, biểu diễn các nguyên nhân của một vấn đề được sắp xếp theo mức độ giảm dần. Căn cứ vào đó, chúng ta có thể xác định và tập trung giải quyết các vấn đề, các nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất. Do đó biểu đồ Pareto giúp giải quyết vấn đề hiệu quả và chuẩn bị nguồn lực thích hợp.

Biểu đồ Pareto được áp dụng khi bạn phải đối mặt với những sự việc đa nhân tố. Sử dụng nó cho phép bạn lựa chọn nên ưu tiên tiến hành giải pháp nào và quản lý nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

Áp dụng trong kinh doanh và marketing: 80% doanh thu của công ty đến từ 20% khách hàng thân thiết. Các chiến lược marketing, ưu đãi và chăm sóc khách hàng nên tập trung vào việc làm hài lòng 20% khách hàng này.

Nguyên lý Pareto 80% doanh thu đến từ 20% khách hàng thân thiết

Áp dụng trong cách sử dụng thời gian và lên lịch trình cho công việc: 20% công việc sẽ tiêu tốn 80% thời gian làm việc và 80% kết quả công việc được tạo ra từ 20% thời gian. 

quy tắc 80/20

Hãy thử theo dõi cách sử dụng thời gian mỗi ngày của bạn và điều chỉnh thường xuyên sao cho phù hợp nhất. Xác định rõ ràng mục tiêu mà bạn tập trung hướng tới để giúp bạn quản lý thứ tự ưu tiên tốt nhất. Bạn nên dành thời gian cho các công việc mang lại cho bạn 80% kết quả.

Từ bây giờ hãy xem lại kế hoạch hàng ngày của bạn, dành nhiều nguồn lực của bạn để tập trung, thực hiện các hoạt động mang lại kết quả tích cực nhất cho bạn. Cố gắng loại bỏ những việc không mang lại nhiều kết quả.

Áp dụng trong cuộc sống thường ngày: 80% hạnh phúc mà bạn cảm nhận được là nhờ  20% những người ở bên cạnh bạn. Hãy thử suy nghĩ vậy những người bạn thật sự cảm thấy hạnh phúc khi ở cạnh bên là ai? Bạn đã dành nhiều thời gian cho họ và thật sự trân trọng sự có mặt của họ chưa?

20% mối quan hệ của bạn đem đến 80% niềm vui và sự sẻ chia cho bạn

Kết luận

Chúng ta không nhất thiết lúc nào cũng phải áp dụng một cách rập khuôn và cứng nhắc nguyên lý Pareto vào mọi tình huống trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn có thể xem nó như một công cụ tham khảo khi phân tích các vấn đề hoặc như một thấu kính để soi rọi các góc cạnh của cuộc đời mình. Nhờ đó bạn có thể nhận ra điều gì là quan trọng cần phải ưu tiên, điều gì là quý giá để có thể sử dụng thời gian và các nguồn lực khác một cách hiệu quả hơn. 

Tài liệu tham khảo:

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments