2020.02.27

Làm thế nào để giao tiếp hiệu quả? (Kỳ 2)

6ways_to_build_trust

Quan hệ tin cậy lẫn nhau là một trong các giai đoạn của quá trình giao tiếp. Theo sách “7 thói quen hiệu quả”, mối quan hệ tin cậy lẫn nhau được xây dựng dựa trên “tài khoản lòng tin”.

Làm thế nào để giao tiếp hiệu quả? (Kỳ 1)

Ở bài viết trước chúng ta đã tìm hiểu về 3 trạng thái của giao tiếp. Ở bài viết này chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về các bước để có được tài khoản lòng tin với những người xung quanh.

“Tài khoản lòng tin” càng nhiều thì giao tiếp càng dễ dàng và nhanh chóng. Theo sách “7 thói quen hiệu quả”, để làm tăng khoản ký gửi vào tài khoản tình cảm, bạn cần rèn luyện để thực hiện được 6 khoản ký gửi như sau: 

Hiểu rõ từng cá nhân

Chúng ta thường có xu hướng xem những gì mình có cũng là những thứ mà người khác cần. Chúng ta hay áp đặt người khác hành động theo ý muốn của mình. Mọi nỗ lực của bản thân không được đón nhận thì chúng ta coi đó là sự từ chối và sẵn sàng bỏ bê những gì đã cố gắng xây dựng.
Nguyên tắc để thực hiện được điều này: “hãy cư xử với người khác theo cách bạn muốn họ cư xử với mình”, nghĩa là hãy làm cho người khác những điều mà bạn muốn họ làm cho mình. Tuy nhiên, nguyên tắc này còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn:hãy hiểu rõ người khác như bạn muốn họ hiểu rõ bạn, và đối xử với họ thông qua sự hiểu biết đó.

Quan tâm đến những điều nhỏ nhất

Trong mối quan hệ giữa con người với nhau, những điều có vẻ như nhỏ nhặt lại là những cái lớn. Những cử chỉ, cách thể hiện, ứng xử dù rất nhỏ đối với người này lại ảnh hưởng rất lớn đến tài khoản tình cảm của họ trong lòng người khác. Chỉ cần một ánh nhìn thiếu thiện cảm, một sự quan tâm không đúng mực, một lời nói vô tình… cũng rút đi một “khoản chi” rất lớn trong “tài khoản” ấy.

Giữ cam kết

Giữ lời hứa hay làm đúng cam kết là ký gửi một khoản lớn vào tài khoản tình cảm của bạn, ngược lại sẽ bị mất đi một khoản lớn. Tài khoản tình cảm của bạn vơi hay đầy đều do cách cư xử của chính bạn. Và trong thực tế, không có “khoản chi” nào lớn hơn “khoản chi” không thực hiện lời hứa. Một lần bạn thất hứa, người ta sẽ khó tin bạn ở những lần tiếp theo. 

Làm rõ các kỳ vọng

Hầu hết những vướng mắc phát sinh trong các mối quan hệ đều do xung đột hay những kỳ vọng mơ hồ xung quanh vai trò và mục tiêu. Dù nguyên nhân của việc xung đột dù có xuất phát từ thái độ và cách cư xử của bên nào thì chúng ta vẫn có thể tin chắc rằng kỳ vọng mơ hồ sẽ dễ dẫn đến hiểu lầm, thất vọng và mất lòng tin.
Việc làm rõ các kỳ vọng ngay từ đầu chính là tạo ra một khoản ký gửi lớn. Điều này đòi hỏi sự đầu tư trước hết về thời gian và sức lực nhưng sẽ tiết kiệm được về sau. Khi các kỳ vọng không rõ ràng và không được chia sẻ, người ta sẽ trở nên khó xử về mặt tình cảm. Những hiểu lầm đơn giản có nguy cơ trở nên phức tạp, có thể dẫn đến những xung đột cá nhân, khiến mối quan hệ dễ bị phá vỡ. Một nguyên tắc quan trọng khi làm rõ các kỳ vọng là phải có sự thành thật. Mọi việc sẽ thuận tiện hơn nếu người ta có hành động như thể không có sự khác biệt và cùng nỗ lực giải quyết nhằm đi đến những kỳ vọng chung mà các bên đều hài lòng.

Thể hiện sự chính trực của bản thân

Sự chính trực tạo ra lòng tin và là cơ sở tạo ra các khoản ký gửi vào tài khoản tình cảm. Nếu thiếu trung thực, người ta có thể làm hại đến hầu hết mọi nỗ lực tạo ra tài khoản tình cảm. Người ta có thể cố gắng để hiểu và nhớ những việc nhỏ nhặt, giữ lời hứa của mình, lãm rõ và thực hiện các kỳ vọng, nhưng vẫn không xây dựng được nguồn dự trữ cho lòng tin bằng sự giả dối.
Một trong những cách quan trọng nhất để thực hiện sự chính trực là “trung thành với những người không có mặt”. Bằng cách đó, chúng ta sẽ xây dựng được lòng tin của người có mặt. Sự chính trực còn có nghĩa là tránh mọi giao tiếp có tính chất bịp bợm, xảo trá, hay sử dụng những phương sách đê hèn. “Nói dối là sự giao tiếp có ý đồ lừa dối” – dù giao tiếp bằng lời nói hay hành động, nếu là người trung thực, chúng ta sẽ không bao giờ có ý định lừa dối ai.

Thành thật nhận lỗi khi phạm sai lầm

Khi đã lỡ thấu chi tài khoản tình cảm bằng sai lầm của mình, chúng ta cần phải xin lỗi – xin lỗi một cách chân thành. Phải có bản lĩnh mạnh mẽ, bạn mới có thể nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi xuất phát từ tấm lòng hơn là từ sự ân hận. Gây ra lỗi lầm là một chuyện, nhưng không chịu thừa nhận lỗi lầm đó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Người ta dễ tha thứ những lỗi lầm do trí năng gây ra – những lỗi lầm do suy xét sai. Nhưng người ta không dễ tha thứ cho lỗi lầm thuộc về tâm hồn – những ý định xấu, những động cơ tồi, sự thanh minh do tự phụ nhằm bào chữa cho lỗi lầm đã gây ra.

Lời kết

Cố gắng thực hiện được 6 khoản ký gửi như trên, bạn đã tạo được tài khoản tình cảm với số dư đáng kể rồi đấy. Chúc các bạn thành công hơn nữa trong cách giao tiếp với mọi người xung quanh nhé.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments