2023.08.09

10 kỹ năng làm việc nhóm cần thiết trong Teamwork skill phần 1

10 kỹ năng làm việc nhóm cần thiết trong chùm Teamwork skill

Lần trước chúng ta đã tìm hiểu tổng quan về “Kỹ năng làm việc nhóm” trong chùm bài viết của chị Thanh Trúc. Lần này chúng ta tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về “10 kỹ năng làm việc nhóm cần thiết trong Teamwork skill” thông qua 2 phần bài viết của bạn Lê Nguyễn Thi ân nhé.
Phần đầu tiên chúng ta tìm hiểu về 5 kỹ năng đầu tiên nhé.

Mức cần thiết của Teamwork skill

Làm việc nhóm là hoạt động thường xuyên và dần trở thành việc không thể thiếu trong quá trình học tập, làm việc của cả học sinh, sinh viên lẫn người đã đi làm. Hầu hết tất cả các ngành nghề hiện nay đều yêu cầu ứng viên có kỹ năng này nhằm phục vụ công việc chung được hiệu quả. Đây chính là một yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt tạo nên những công ty và tổ chức xuất chúng.

Kỹ năng làm việc nhóm là quá trình hợp tác, làm việc chung với một nhóm người cụ thể như là đồng nghiệp, bạn bè…nhằm đạt được mục tiêu chung và hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Phương pháp làm việc nhóm giúp bạn phát triển kỹ năng cá nhân, thu nạp kiến thức, kinh nghiệm của người khác cho bản thân đồng thời mang lại những giá trị về vật chất và tinh thần cho tập thể và cá nhân.

Hãy cùng mình tìm hiểu những nội dung sau đây để biết được đâu là những kỹ năng làm việc nhóm cần thiết có thể mang lại hiệu quả cao trong công việc nhé.

1. Kỹ năng giao tiếp (Communication) 

Kỹ năng giao tiếp là khả năng sử dụng phương tiện ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt ý kiến, quan điểm, tình cảm một cách rõ ràng và thuyết phục; đồng thời thúc đẩy khơi gợi giao tiếp hai chiều một cách khéo léo. 

Kỹ năng giao tiếp còn thể hiện ở khả năng thuyết trình rành mạch các khái niệm phức tạp tới nhiều đối tượng khác nhau. Hay là những pha xử lý một cách khéo léo các tình huống phát sinh trong giao tiếp, linh hoạt trong cách sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu. 

Người sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt là người nắm rõ những gì mình cần truyền đạt đến người nghe, họ có thể trao đổi thông tin một cách rõ ràng và hiệu quả. Đồng thời cũng biết tích cực lắng nghe, để lại ấn tượng đẹp trong lòng người đối diện từ đó xây dựng được mối quan hệ tin tưởng với những người xung quanh. Đây sẽ là một kỹ năng đem lại nhiều lợi thế cho bạn khi đi làm việc nhóm.

Các hình thức giao tiếp phổ biến nhất hiện nay là:

– Giao tiếp trực tiếp (face – to – face/ mặt đối mặt).

– Giao tiếp gián tiếp qua điện thoại, video call, email,…

7 yếu tố giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp:

1.1. Xác định mục đích giao tiếp

1.2. Ngắn gọn và dễ hiểu, không nói ngập ngừng

1.3. Giao tiếp có trọng tâm, rõ ràng về các thông tin muốn truyền đạt

1.4. Sử dụng ngôn ngữ hình thể

1.5. Lắng nghe, tôn trọng đối phương

1.6. Nhớ tên đối phương

1.7. Biết lựa chọn phương thức giao tiếp đúng thời điểm

2. Kỹ năng lắng nghe trong Teamwork skill

Giao tiếp là tương tác hai chiều, chúng ta không thể tiếp thu được những gì đối phương truyền đạt nếu không lắng nghe. Lắng nghe là một quá trình tập trung, chủ động mong muốn thấu hiểu và chia sẻ với người khác. Kỹ năng này không chỉ đơn thuần là lắng nghe, mà còn cần lắng nghe một cách nghiêm túc, kịp thời đưa ra những phản hồi của mình để đối phương cảm nhận được sự tôn trọng và hiểu biết của bạn.

Kỹ năng lắng nghe
Lắng nghe là quá trình chủ động, mong muốn thấu hiểu và
chia sẻ với người khác

Kỹ năng lắng nghe không chỉ tốt cho công việc mà còn rất tốt khi chúng ta áp dụng vào đời sống gia đình và bạn bè.  Người biết lắng nghe sẽ có thêm nhiều bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng,.. Và lắng nghe chính là cách để nâng cao giá trị bản thân trong mọi cuộc giao tiếp.

Kỹ năng lắng nghe đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, và quyết định 90% thành công trong mọi cuộc giao tiếp đi cùng với kỹ năng nói. Dù bạn là người có năng lực, nhưng nếu bạn không biết cách lắng nghe đồng đội của mình thì khó mà có thể tiến xa hơn trong công việc. Vì thế, bạn hãy rèn luyện kỹ năng lắng nghe ngay từ bây giờ. 

7 nguyên tắc vàng để có được kỹ năng lắng nghe hiệu quả:

2.1. Tập trung và lắng nghe chủ động 

2.2. Tuyệt đối không được ngắt lời

2.3. Thấu hiểu khi lắng nghe

2.4. Không phán xét và áp đặt đối phương

2.5. Biết cách đặt câu hỏi

2.6. Sử dụng ngôn ngữ hình thể

2.7. Đưa ra các ý kiến cá nhân

3. Kỹ năng giải quyết xung đột (Conflict Management)

Xung đột là “tình trạng không tương thích về ý tưởng giữa hai hoặc nhiều bên hoặc cá nhân”. Vì mỗi cá nhân đều có tính cách, suy nghĩ, quan điểm và tư duy khác nhau nên việc xung đột xảy ra là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Chắc bạn cũng đã quá quen với việc nhìn thấy các tình huống tranh cãi ở các buổi họp nhóm trong trường lớp hay là các cuộc họp trong công ty.

Xung đột có tác hại rất lớn đến nhóm và mỗi cá nhân. Khi nhóm có xung đột, bầu không khí của nhóm bị phá vỡ, tăng sự căng thẳng giữa các thành viên, kéo theo kết quả công việc không tốt. Tuy nhiên, xung đột cũng có mặt lợi đó là giúp mỗi cá nhân nâng cao kiến thức, nhận thức về sự đa dạng và khác biệt giữa con người, tổ chức và xã hội. Cho phép dung hòa các lợi ích khác nhau và đem lại sự gắn kết cho đội nhóm.

Kỹ năng giải quyết xung đột (Conflict Management) trong Teamwork skill
Ngăn chặn xung đột và biến xung đột thành cơ hội phát triển

Kỹ năng quản lý xung đột là khả năng vận dụng kiến thức, hiểu biết của mình để giải quyết, ngăn chặn hoặc tận dụng xung đột. Quản lý xung đột một cách khéo léo và mang tính xây dựng là điều cần thiết và quan trọng để có thể kích thích được sự thay đổi tích cực của thành viên trong nhóm và phát triển môi trường làm việc trong một tổ chức.

Các kỹ năng giúp giải quyết và quản lý xung đột:

3.1. Xác định nguồn gốc xung đột, tìm ra nút thắt 

3.2. Học cách nghe trước, lên tiếng sau 

3.3. Luôn giữ bình tĩnh

3.4. Nhìn lại vấn đề 

3.5. Công bằng trong giải quyết xung đột 

3.6. Tạo bầu không khí chia sẻ cởi mở để mọi người cùng nhau tìm ra giải pháp xử lý sự cố

3.7. Gác cái tôi cá nhân sang một bên

4. Kỹ năng đàm phán (Negotiating) 

Kỹ năng đàm phán là kỹ năng mềm được sử dụng trong quá trình giao tiếp để đi đến một thỏa thuận chung. Kỹ năng này cũng là sự kết hợp của nhiều kỹ năng như giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng thuyết phục, quản trị cảm xúc… Trong cuộc sống, con người luôn phải giao tiếp với nhau. Việc xảy ra xung đột, mâu thuẫn quyền lợi khi giao tiếp là điều hết sức bình thường.

Trong công việc, những ý kiến bất đồng khi hoạt động kinh doanh có thể dẫn đến những tranh chấp. Lúc này, người có kỹ năng đàm phán có thể giải quyết tình huống và đưa ra những thỏa hiệp khiến cả hai bên đều cảm thấy hài lòng.

Kỹ năng đàm phán (Negotiating)
Rèn luyện tốt kỹ năng đàm phán giúp các bạn thành công hơn trong công việc

Kỹ năng đàm phán không có gì quá phức tạp nhưng để trở thành người thương lượng giỏi không hề đơn giản. Bạn có thể thực hành những cách sau để cải thiện, phát triển kỹ năng của mình:

4.1. Luôn có sự chuẩn bị trước mỗi cuộc đàm phán

4.2. Tìm hiểu kỹ về đề tài và vấn đề sẽ được đưa ra đàm phán

4.3. Luyện tập thành thạo các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, thuyết phục và lập kế hoạch.

4.4. Sẵn sàng mắc sai lầm. Bạn phải thử nghiệm nhiều lần, tham gia rất nhiều cuộc thương lượng mới có thể hình thành kỹ năng đàm phán và thương lượng. Lĩnh vực IT ngày càng phát triển đòi hỏi người lập trình viên giỏi phải có kỹ năng đàm phán tốt. Khi đó, công việc và quá trình hợp tác với các team khác cũng hiệu quả hơn, giúp bạn nâng cao hiệu suất và đảm bảo quyền lợi cho mình.

5. Kỹ năng tư duy phản biện (Critical Thinking) 

Tư duy phản biện còn được gọi là Critical Thinking. Khi nói tới sự phản biện, có nghĩa là chúng ta đang đề cập đến khả năng suy nghĩ rõ ràng và lập luận đúng đắn. Phản biện rất khác với tranh cãi.

Bởi vì trong phản biện, chúng ta sẽ dùng lý lẽ, lập luận để bảo vệ niềm tin, ý kiến hay quan điểm nào đó. Để có thể phản biện 1 cách khoa học, hợp lý, chúng ta phải vận dụng nhiều kỹ năng khác nhau. Suy nghĩ độc lập và suy nghĩ phản chiếu là những kỹ năng quan trọng và phổ biến hơn cả. 

Người sở hữu kỹ năng tư duy và phản biện tốt thường có khả năng đánh giá vấn đề một cách sắc bén và đa chiều. Nhờ thế, những ý kiến, luận điểm của họ trở nên rất thuyết phục. Bên cạnh đó, người có khả năng tư duy phản biện tốt cũng là mẫu người có lập trường vững vàng và kiên định. Rất khó bị ảnh hưởng bởi người khác, càng không dễ dàng bị đánh lừa.

Phát triển tư duy phản biện giúp bạn nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, nâng cao khả năng giao tiếp và thuyết trình, cho phép bạn thỏa sức sáng tạo,..

Kỹ năng tư duy phản biện (Critical Thinking) trong Teamwork skill
Kỹ năng tư duy phản biện (Critical Thinking)

Trong công việc, tư duy phản biện là nền tảng quan trọng, bởi đây là yếu tố tiềm năng để sản sinh ra những nhà lãnh đạo giỏi. Trong quá trình làm việc nhóm, người sở hữu kỹ năng tư duy và phản biện tốt sẽ giúp các quyết định của tập thể đi đúng hướng và không bị ảnh hưởng bởi cảm tính.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments